Mảnh kí ức vụn vỡ.
Báo cáo54
1
Chắc hẳn, ngoài kia, nhiều những bạn nhỏ có tuổi thơ chẳng mấy tươi đẹp - một tuổi thơ được lắp ráp bằng mảnh vỡ đau thương, rằng mỗi khi nhớ lại vẫn cứa hằn máu chảy nơi trái tim vốn đã xước trầy không ít. Và chính tôi cũng thế. Thuở ấu thơ, một "em" thơ ngây mới bập bẹ được mấy chữ, đã trải nghiệm đủ tình yêu thương từ cuộc đời: những chuyến phiêu lưu đến những đất nước đầy mới lạ, những món đồ chơi mới toanh luôn được biện bày trước đôi mắt lấp lánh, thơ ngây và ngôi nhà đủ đầy những gói bánh kẹo mà đứa con nít nào cũng yêu thích. Bởi lẽ được tận hưởng quá nhiều những phúc hạnh trong những năm đầu đời, lên năm, em đã phải đối mặt với câu hỏi đầy dằn vặt mà lúc ấy vẫn chỉ nghĩ là một câu đùa vui đầy cợt nhả: "Con chọn đi theo ai, ba hay mẹ?". Em cười xòa, dẫu ba hay mẹ, em đều yêu, tại sao lại hỏi em một câu hỏi khơi dậy đầy sự hoài nghi như thế. Thế nhưng, lúc ấy em đã nhìn thấy trong đôi mắt của họ lẩn khuất sự nghiêm túc, và rồi, em chọn theo mẹ. Với một đứa trẻ con lên năm, dường như tình thương luôn hiện hữu trước mắt vẫn lôi cuốn, hấp dẫn hơn những tờ tiền xanh đỏ vô tri vô giác chẳng mang lại một chút giá trị tinh thần nào. Và có lẽ đó cũng là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời của em. Sau khi kết hôn, ba em công khai cô vợ mới, mà với em, trông giống hệt như những "mẹ ghẻ" trong các tập phim truyền hình. Và giữa họ, đã có một đứa con chỉ thua em hai tuổi. Thời khắc ấy, em mới vỡ lẽ, rằng sự thương yêu, săn sóc ấy lắm lúc chỉ là diễn kịch cho tròn vai. Mỗi khi mẹ vắng nhà, ba luôn gửi em cho bà nội chăm để đến thăm gia đình nhỏ ngoài luồng, chỉ cho đến khi mẹ sắp về mới đến đón. Sau khi ly hôn, ba vẫn gửi quà sinh nhật cho em đều đặn, nhưng chỉ kéo dài đến năm em lớp hai. Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm khi ba đến và đưa em đi mà chẳng nói một lời nào, khiến mẹ đuổi theo đến mức suýt bị tai nạn. Ngồi trên xe ô tô, quay đầu nhìn mẹ đuổi theo chẳng màng sống chết, khóe mắt em chảy hàng lệ dài. Đó là lần đầu em biết buồn vì một ai đó. Hàng lệ ấy chẳng phải là một phản ứng tự nhiên của một đứa trẻ ngây ngô khi gặp phải tình huống tiến thoái lưỡng nan, mà là của một "em" bị "ép chín", một hàng lệ như chảy từ trái tim non nớt, bé bỏng. Trong thâm tâm em, vô vàn sự tự trách dấy lên từng đợt, một cách dày đặc - em đã nghe lời đi theo ba chỉ vì lời hứa mua những bé búp bê mà em thích. Những ước mong, khát khao được món đồ chơi đẹp đẽ ấy đã thôi thúc, suýt dẫn em đến ngõ cụt của đời mình. Kể từ lúc ấy, mẹ con em chính thức chấm dứt với ba. Cuộc sống sau ly hôn của mẹ con em cũng chẳng hề dễ dàng, khi ba tước đoạt hết gần như tài sản chung của hai vợ chồng và để lại cho chúng em một căn nhà cũ kĩ. May thay, mẹ em là một người phụ nữ tài giỏi, độc lập tài chính, thậm chí đã từng nâng đỡ ba trên con đường kiếm tìm tri thức và đoạt lấy thành công với bao con người khác. Ấy vậy mà, giờ đây ba lại quay lưng với chính gia đình của mình, khiến em thất vọng đến tột cùng và thậm chí căm hận. Sau biến cố ấy, các bạn cùng lớp em biết chuyện, như dự đoán, em bị bạo lực học đường. Về cả thể chất lẫn tinh thần. Em bị gắn mác là đứa chẳng có ba, thậm chí có bạn còn loan tin mẹ em là con điếm, ngủ với nhiều thằng đàn ông nên mới bị bỏ rơi. Mắt em đỏ hoe, em căm phẫn trong tuyệt vọng. Em chẳng có khả năng để tự bảo vệ cho chính em, huống hồ là mẹ. Em để những con người xấu xa ngoài kia khắc lên thân thể và tâm trí mình những vết sẹo - tưởng chừng như đã lành, nhưng cơn đau chưa bao giờ thực sự chấm dứt, luôn quẩn quanh, khắc khoải như thế. Em nghĩ, à không, em chắc chắn, rằng chính mình chưa từng buông đôi tay đang níu giữ lấy những kí ức đầy u sầu, thương đau đó, để mặc nó hoành hành mãi đến tận bây giờ. Có một câu chuyện cổ tích mà em không nhớ tên, từng nhắc đến sự hiện diện của một khu vườn đặc biệt: khu vườn tâm hồn. Trong ấy, mỗi chúng ta đều là một người gác cổng, chịu trách nhiệm cai quản, canh giữ những thứ ra vào khu vườn. Chỉ khi ta cho phép chúng hiện diện, chúng mới có vé mời và bám lấy một khoảng không nào đó trong ấy. Vậy tại sao, ta lại không "đuổi cổ" những thứ hiện diện mà chẳng cho mình lấy một giá trị nào, đón lấy những khoảnh khắc khiến con người ta tin vào chính bản thân mình, thoát khỏi nơi đáy sâu, vũng lầy mà ta vô tình bị mắc kẹt? Nói ra điều ấy hẳn là dễ dàng, nhưng "khoảng cách xa nhất là giữa cái đầu và bàn tay". Em biết, biết rằng nên buông bỏ cái mảng kí ức u ám ấy, nhưng chưa bao giờ em thực hiện được. Em trộm nghĩ, ông trời đang thử thách lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng của em, để rồi sau đó vén màn cuộc đời bằng những món quà đầy ngọt ngào, hạnh phúc. Chính vì thế nên em đã chờ. Em chờ. Chờ rất lâu, em không nhớ em chờ bao nhiêu lâu rồi, mỗi lúc em cảm giác như sắp ngã gục, em tự nhủ rẳng rồi mọi thứ sẽ ổn, rằng thượng đế chỉ đang thử thách em một cách hơi quá đáng. Em vẫn giữ vững niềm tin ấy, nhưng những vết dao em thay cuộc đời "vẽ" lên cánh tay mình đã chứng minh rằng em sắp không trụ nổi với "khu vườn" đầy rẫy đau thương này, chỉ bằng cách tin vào một lí do không căn cứ mà em tự suy ra sau những lần tự vấn. Thật như thế, khi bước vào cấp hai, em may mắn đỗ một ngôi trường hạng nhất của thành phố, với niềm hi vọng sẽ gặp được những người bạn thật sự thay vì nếm trải nỗi đau bị phản bội và bắt nạt. Nhưng, tất cả phúc phần của cuộc đời dường như chỉ dành cho một ai khác. Trong ngôi trường ấy, với một cô bé học lực không quá nổi bật, em lại bị khinh thường. Trong khi những người bạn khác giành giật nhau vị trí số một trong lòng những giáo viên, em chỉ muốn đạt được điểm số đủ cao như mong đợi. Chính vì thế mà em chẳng nổi bật như những bạn cùng trang lứa, em khép kín và thu mình. Em ghét cay ghét đắng những hoạt động nhóm vì chính em không muốn thừa nhận cái cảm giác "không thuộc về" này. Luôn luôn, em là phương án dự phòng trong hầu hết các mối quan hệ xung quanh mình. Em ước, ước rằng em đã không để những thứ thấp hèn ấy vào khu vườn của mình để rồi vấy bẩn nó. Em có giá trị riêng cơ mà? Chỉ là những người khác chỉ nhìn thấy được khi một người gắng vươn mình để lột tả lên cái tài năng, cái hơn người của họ. Nhưng em không như thế. Những rào cản từ quá khứ luôn hiện diện ở đó, vừa thôi thúc vừa ngăn cản em phá bỏ, vượt qua. Thấp thoáng, bốn năm cấp hai trôi đi, đã đến lúc em phải gồng mình để tranh đua với người khác một chân vào trường chuyên. Em chuyên anh, nhưng em không tự tin để nói ra điều ấy với người khác. Luôn luôn, khi biết sự thật, người ta sẽ ném cho em một ánh nhìn như thể, em không đủ tài năng, thậm chí tư cách để đăng kí thi một môn chuyên có tỉ lệ chọi cao như thế. Để bảo vệ chính tâm hồn sắp vụn vỡ của mình, em nói dối rằng em chuyên lí. Và rồi, người ta cũng ít ném cho em những ánh mắt khinh khỉnh ấy hơn. Nhưng em cũng bắt đầu hoài nghi về chính bản thân mình, lắm lần em đòi bỏ chuyên, nhưng nghĩ đến viễn cảnh em đậu, em đã tự nhủ mình cố gắng. Không phụ sự cố gắng của em, em thật sự đã đậu chuyên vào ngôi trường mơ ước. Em từng nghĩ, nếu em được học ngôi trường ấy, sự tự tin và niềm kiêu hãnh sẽ dần được hình thành, có lẽ vậy. Thế mà sự thật như một gáo nước lạnh tát thẳng vào em. Em đậu và dư tận hai điểm. Nhưng điểm chuyên năm nay lấy thấp hơn năm ngoái một chút nên người khác nói rằng lứa em chẳng giỏi giang gì, tự hào rồi cũng chỉ là tự kiêu thôi. Giờ đây, em thấy ngôi trường mà bao đứa học trò lớp chín mong được may áo đồng phục và đắm chìm tuổi xuân nơi ấy chẳng đặc biệt là bao. Lạ thật. Cái niềm vui mà em ấp ủ bấy lâu, mải chạy theo,kiếm tìm cơ hội cho chúng thắp sáng khu vườn tăm tối của chính mình lại chỉ là một kẻ qua đường, không hơn không kém trong miền đất tâm hồn. Như em, là một kẻ qua đường giữa miền hạnh phúc.
Chũi